Thao túng triều đình Đổng_Trác

Chống lệnh được phong

Đầu năm 189, Hán Linh Đế bệnh nặng. Ngoại thích Hà Tiến giữ chức Đại tướng quân điều hành triều chính. Đổng Trác nhờ lập công lại được phong làm Cửu khanh của triều đình, giữ chức Thiếu phủ coi việc thu thuế, chi tiêu tiền bạc. Đổng Trác không thích chức đó, không chịu đến Lạc Dương nhận chức[4].

Hà Tiến muốn lấy lòng ông bèn phong làm Châu mục Tinh châu và lệnh giao quân đội cho Hoàng Phủ Tung. Tuy nhiên Đổng Trác không nghe lệnh, mang theo quân đội đến Tinh châu, đóng ở thủ phủ là quận Hà Đông để nghe ngóng chờ thời.

Không lâu sau Hán Linh Đế chết, Hán Thiếu Đế lên ngôi. Hà Tiến làm phụ chính. Hà Tiến mâu thuẫn gay gắt với hoạn quan, đề nghị Hà thái hậu bãi chức các hoạn quan, nhưng Hà thái hậu lại không chịu vì từng có ơn các hoạn quan[6]. Thấy Hà thái hậu không chịu, Hà Tiến bèn sai người ra nói với tướng Đổng Trác hãy mang quân vào Lạc Dương "giả làm phản đòi dẹp hoạn quan", với mục đích là dọa thái hậu phải bằng lòng giết hoạn quan[7].

Đuổi Viên Thiệu

Đổng Trác nhận lệnh, khởi binh chưa kịp tới vào Lạc Dương thì Hà Tiến đã bị các hoạn quan giết trong cung. Thủ hạ của Hà Tiến là Viên Thiệu mang quân vào cung đánh giết hoạn quan. Kinh thành náo loạn, Hán Thiếu Đế và em là Lưu Hiệp chạy ra ngoài, ẩn trong nhà dân ở Bắc Mang.

Đổng Trác trên đường đến Lạc Dương, nghe tin anh em vua Thiếu Đế ở Bắc Mang bèn đích thân đi đón, hộ tống về kinh. Vào Lạc Dương, ông muốn thao túng triều đình nhưng lúc đó trong triều có đối thủ là Viên Thiệu đang giữ chức Hổ bôn trung lang tướng có thế lực rất mạnh, nhiều vây cánh trong triều và vài vạn quân. Thủ hạ của Viên Thiệu có người khuyên Thiệu nên trấn áp Đổng Trác ngay nhưng Thiệu trù trừ chưa quyết. Lúc đó lực lượng trong tay Đổng Trác chỉ có 3000 quân[8], ông nghĩ ra một kế để lừa Viên Thiệu. Đêm đêm, Đổng Trác sai quân lính giả làm dân, sai họ ra khỏi thành; tới sáng hôm sau họ lại mặc áo lính, xếp thành đội ngũ, gióng trống phất cờ đi vào thành. Cả Viên Thiệu và dân thành Lạc Dương thấy mỗi ngày Đổng Trác lại có vài ngàn quân vào thành, không hiểu nổi ông có bao nhiêu binh mã, vì thế Thiệu có ý sợ Đổng Trác[8].

Khi hộ tống anh em Thiếu Đế về cung, Đổng Trác thấy hoàng tử Lưu Hiệp thông minh bạo dạn hơn nên ưa thích và định phế Thiếu Đế để lập Lưu Hiệp. Ông mang việc đó ra bàn với Viên Thiệu tại nhà. Viên Thiệu là người cùng phe Hà Tiến – anh Hà thái hậu, mẹ của Thiếu Đế, vì vậy không đồng ý phế lập. Đổng Trác tỏ ý giận dữ vì sự chống đối của Viên Thiệu. Hai bên chưa ra mặt đánh nhau. Đổng Trác ngại vì mình mới vào kinh và nhà họ Viên có gia thế mạnh nhiều đời nên chưa hành động; còn Viên Thiệu cũng lo lắng vội đi khỏi phủ Đổng Trác rồi bỏ kinh thành trốn lên Hà Bắc[9].

Phế Hán Thiếu Đế

Mượn cớ thiên tai, trời hạn hán không mưa, Đổng Trác quy trách nhiệm cho Tư không Lưu Hoằng, đề nghị Hà thái hậu và Tham lục thượng thư sự Viên Ngỗi (chú Viên Thiệu) bãi chức Hoằng, để tự mình thay làm Tư không. Ông tiếp quản quân đội của Hà Tiến. Bộ tướng của Hà Tiến – cùng phe Viên Thiệu – là Đinh Nguyên bất bình với Đổng Trác bèn mang quân chống lại. Đổng Trác bèn dùng vàng bạc mua chuộc viên mãnh tướng, con nuôi Đinh Nguyên là Lã Bố, xui Bố phản lại giết chết Nguyên, mang quân về hàng Đổng Trác.

Đổng Trác lại mang việc phế Thiếu Đế ra bàn trước triều thần. Mọi người đều sợ, chỉ có Lư Thực dám đứng lên phản đối. Do Lư Thực có uy tín trong triều nên Đổng Trác không dám giết mà chỉ bãi họp, rồi bãi chức Lư Thực[10]. Sáng hôm sau Đổng Trác lại triệu tập bá quan vào triều, bắt Hà thái hậu tự ra chiếu phế con mình làm Hoằng Nông vương, lập Lưu Hiệp lên làm vua, tức là Hán Hiến Đế.

Sử gia Lã Tư Miễn bình luận về hành động phế lập của Đổng Trác, cho rằng ông thật ngu xuẩn: Đổng Trác muốn khống chế nhà Hán, lẽ ra phải duy trì một Hán Thiếu Đế nhút nhát kém cỏi hơn là lập Hán Hiến Đế thông minh. Đáng lý ông nên tập trung vào nắm quyền chính sự, thu xếp chỉnh đốn công việc nội trị, sau này muốn phế lập cũng không muộn[11].

Ít lâu sau, ông sai người sát hại mẹ con Hà thái hậu và Hoằng Nông vương Lưu Biện đã bị phế.

Đổng Trác cũng chỉnh lý một loạt nhân sự: ông lật lại vụ án Trần Phồn, Đậu Vũ bị hoạn quan sát hại trước đây (thời Hán Linh Đế); sau đó đề bạt danh sĩ Sái Ung từng bị gian thần làm hại thời Linh Đế, cất nhắc Hàn Phức làm Châu mục Ký châu, Lưu Đại làm thứ sử Duyện châu, Khổng Do làm Thứ sử Dự châu. Tuân Sảng là kẻ sĩ áo vải có danh vọng, ông thăng cho làm Tư không. Bên cạnh đó ông thăng chức cho Tư đồ Dương Bưu và Thái úy Hoàng Uyển. Để vỗ về Viên Thiệu, ông nhân danh Hán Hiến Đế phong cho Thiệu làm Thái thú Bột Hải, Cang hương hầu, phong cho em Thiệu là Viên Thuật làm Hậu tướng quân.

Các sử gia nhìn nhận trong các hành động của Đổng Trác lại có những sai lầm khi giết mẹ con Hà thái hậu và vua cũ Lưu Biện (một việc không cần thiết phải làm) và cấp đất cho Viên Thiệu có cơ sở chống lại mình. Ngoài ra, việc ông đổi niên hiệu của Hán Hiến Đế từ Trung Bình thành Sơ Bình cũng bị xem là phản ánh sự hạn chế về học vấn của ông ("Sơ" là bắt đầu, phải dùng trước "Trung")[12].

Đắc chí ở ngôi cao

Sau khi đổi vua, Đổng Trác không làm Tư không nữa, tự mình thăng làm Thái úy kiêm Tiền tướng quân. Nhưng không lâu sau ông ép Hán Hiến Đế phong mình làm tướng quốc, ngôi vị trên cả Tam công, ngang với Tiêu Hà, công thần khai quốc nhà Hán trước đây[13][14].

Đổng Trác thao túng triều đình, vơ vét quốc khố mang về nhà riêng. Ông vào cung hãm hiếp mấy người con gái của Hán Linh Đế, và mang nhiều phi tần về làm vợ. Các tướng sĩ bên dưới làm theo, cũng cưỡng hiếp đàn bà con gái nhà dân, cướp bóc tài sản của nhân dân làm của riêng[15].

Có lần Đổng Trác mang quân ra ngoại thành Lạc Dương, thấy đám đông nhân dân xem hát. Ông bèn hạ lệnh cho quân động thủ, giết hết đàn ông, bắt hết đàn bà làm tù nhân mang về Lạc Dương. Hành động này được các sử gia nhìn nhận còn tồi tệ hơn cả quân thổ phỉ[15].

Về kinh tế, Đổng Trác bỏ chế độ tiền Ngũ thù, ban hành tiền mới nhẹ hơn, khiến vật giá tăng vọt. Một thạch gạo tăng lên mấy vạn đồng khiến nhân dân rất điêu đứng[15].